Mô hình sản xuất điện mặt trời nào cho năm 2021?
20/01/2021

Năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam
Bùng nổ điện mặt trời trong năm 2020
 
Năm 2020, biến động kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã gây tác động trực tiếp đến nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhờ cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, đi ngược dòng tăng trưởng âm của thế giới, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng duy nhất duy trì được mức tăng trưởng dương.
 
Năm vừa qua, Việt Nam cũng ghi nhận những đóng góp lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt hướng đến năng lượng thân thiện với môi trường. Với lợi ích về giá trị kinh tế xã hội đã được kiểm chứng thực tế, nhu cầu đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo vẫn trên đà tăng trưởng mạnh và nhận được sự quan tâm không chỉ của Chính phủ, doanh nghiệp mà ngay cả các ngân hàng cũng nhập cuộc.
 
Theo số liệu thống kê từ nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) cập nhật đến ngày 31/12/2020, cả nước có hơn 100.00 dự án ĐMTAM được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300MW.
 
Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
 
“Điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời
 
Dù thừa nhận hàng loạt chính sách phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu thực tiễn vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng mang tính bùng nổ của điện mặt trời trong 2 năm qua cũng như sự phát triển nhanh của công nghệ, nhu cầu đầu tư và sử dụng điện mặt trời.
 
Đặc biệt, khi Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 và sau thời điểm này chưa có chính sách về loại hình, giá mua cho phát triển ĐMTAM nên đã gây khó khăn, trở ngại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có thể nói chính sách đối với ĐMTAM như vậy là ngắn hạn, bị động và manh mún.
 
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin xã hội đối với việc phát triển, giảm sự quan tâm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư điện mặt trời nói chung, ĐMTAM nói riêng. Đặc biệt, việc thay đổi chính sách cũng khiến cho các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, định hướng kinh doanh lâu dài phải cân nhắc lại khi tham gia vào thị trường điện mặt trời.
 
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn chưa có thị trường bán điện cạnh tranh nên giá điện vẫn là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời. Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc việc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện.
 
Theo ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới: “Việc đấu thầu giúp quá trình lựa chọn dự án trở nên minh bạch hơn, mang tính cạnh tranh, đồng thời cũng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, và do đó chúng ta hy vọng sẽ có một giá điện hợp lý hơn”.